Ông Richard Masters – Giám đốc điều hành Ngoại hạng Anh xác nhận thời điểm xét xử 115 cáo buộc gian lận tài chính của Man City vào cuối năm 2024, và dự kiến ra phán quyết vào hè 2025.
Thời điểm phán quyết
Tháng 2/2023, Man City được cho là vi phạm nghiêm trọng Luật Công bằng Tài chính (FFP), sau cuộc điều tra kéo dài 5 năm, từ 2018. Trong đó, có những “tội” rất nặng như gian lận sổ sách, báo cáo tài chính và không hợp tác điều tra. Ngay lập tức, The Citizens phủ nhận tất cả cáo buộc và khẳng định có “bằng chứng không thể chối cãi” để chứng minh vô tội.
Trong một tuyên bố gần đây, Liên đoàn Bóng đá Anh xác nhận họ đã “chuyển một số cáo buộc vi phạm” xảy ra trong 9 mùa giải khác nhau kể từ mùa giải 2009 – 2010 của Man City cho một ủy ban độc lập.
Điều đó cho thấy quy mô và tính chất vụ việc rất phức tạp, phải chia tách thành nhiều nhóm vấn đề. Ông Richard Masters cũng thừa nhận về sự tiến triển chậm chạp trong trường hợp của Man City khi so sánh với Everton và Nottingham Forest.
Vào tháng 11/2023, Ban tổ chức Ngoại hạng Anh đã đưa ra thông báo về án phạt trừ 10 điểm dành cho câu lạc bộ Everton vì vi phạm FFP. Theo đó, đội bóng này đã công bố khoản lỗ tài chính gần 372 triệu bảng trong 3 năm gần nhất, vượt quá 250 triệu bảng so với hạn mức mà giải đấu cho phép – quy tắc bền vững và lợi nhuận (PSR).
Đến thời điểm này, đây là án phạt trừ điểm nặng nhất lịch sử giải đấu hàng đầu xứ sở sương mù. Đáng chú ý, Everton đã gửi đi thông điệp rằng, họ sẽ theo dõi những quyết định được đưa ra với các trường hợp tương tự liên quan đến FFP, cụ thể là Chelsea và nhất là Man City. Nếu 2 đội bóng này được thoát tội, Everton sẽ kiện Ban tổ chức Ngoại hạng Anh.
Sau Everton, đến lượt câu lạc bộ Nottingham Forest được thông báo rằng họ đã vi phạm FFP mà cụ thể là các quy định về lợi nhuận và tính bền vững, đồng thời đối mặt với nguy cơ bị trừ điểm.
Tuy nhiên, mức độ của Nottingham Forest theo đánh giá ban đầu ở khung hình phạt khá nhẹ, và đội bóng này có nhiều “tình tiết giảm nhẹ”, trong đó có nỗ lực khắc phục hậu quả bằng cách bán bớt một số cầu thủ bảo đảm cân đối thu chi. Nhưng khả năng thoát án phạt của
Nottingham Forest rất thấp. Vấn đề chỉ là án phạt nào, trừ số điểm ít hơn Everton, hay cấm chuyển nhượng có thời hạn…
Phát biểu với Daily Mail, ông Richard Masters cho biết thêm, Man City sử dụng chiến thuật trì hoãn để kéo dài cuộc điều tra của cơ quan chức năng. Nhưng trong lần xuất hiện trước các nghị sĩ tại phiên điều trần của Ủy ban Văn hóa, Truyền thông và Thể thao trung tuần tháng 1 vừa qua, các thành viên liên quan đã thống nhất về thời điểm đưa vụ việc ra xét xử.
Như Giám đốc điều hành Richard Masters phát biểu, ông bị “chất vấn” rằng, có hiểu được sự thất vọng của người hâm mộ, đặc biệt là cổ động viên Everton khi vụ việc của Man City kéo dài quá lâu không?
Màu đen phủ bóng Man xanh
Liên quan đến Man City, ông Stefan Borson – cựu cố vấn tài chính của đội bóng này đồng thời là luật sư nêu quan điểm, The Citizens có thể bị loại hoàn toàn khỏi giải đấu hàng đầu nước Anh nếu họ bị kết tội. “Không còn nghi ngờ gì nữa, với những cáo buộc này, ít nhất sẽ dẫn đến việc Man City xuống hạng, đó là điều không cần bàn cãi.
Đơn cử như Ban tổ chức Ngoại hạng Anh cho rằng các thỏa thuận tài trợ chính của Man City không phải với giá 50 – 60 triệu bảng Anh/năm như đội bóng này cung cấp, mà thực tế chỉ là 8 triệu bảng Anh và toàn bộ sự việc chỉ là giả tạo. Có rất nhiều người đã nói dối và Man City lừa dối rất nhiều bên”, ông Stefan Borson phát biểu.
Thực ra, đây không phải lần đầu Man City đối mặt với nguy cơ hiểm nghèo từ vi phạm FFP. Tháng 2/2020, bóng đá châu Âu rung chuyển khi Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) cấm Man City dự mọi giải đấu của châu Âu trong hai mùa giải tới và và nộp phạt 30 triệu euro vì “vi phạm nghiêm trọng” Luật Công bằng Tài chính.
Man xanh khi đó được xác định với những “tội danh” như khai khống doanh thu từ nhà tài trợ, giai đoạn 2012 – 2016, không hợp tác với cơ quan kiểm soát tài chính. Cáo buộc Man City gian lận tài chính khi đó khởi nguồn từ tờ báo Đức Spiegel. Họ cho rằng, công ty sở hữu Man City – Abu Dhabi United Group – bơm tiền trái phép cho đội bóng.
Vào thời điểm Liên đoàn Bóng đá châu Âu thông báo án phạt Man City, nhiều người tin rằng, đội bóng nước Anh sẽ lật ngược thế cờ. Và dự đoán đó trở thành sự thật. Man City đẩy vụ việc lên Tòa án Thể thao quốc tế (CAS) và phủ nhận vi phạm.
Sau khi xem xét, CAS hủy án cấm dự cup châu Âu mà UEFA đưa ra cho Man City, theo thông cáo chiều 13/7/2020. Đội bóng này vẫn bị phạt tiền, nhưng giảm xuống còn 10 triệu euro thay vì 30 triệu euro.
Lý lẽ của CAS, Man City chỉ làm trái Điều 56 trong FFP, đó là từ chối hợp tác với cơ quan kiểm soát tài chính của UEFA trong quá trình điều tra. CAS cũng viện dẫn một điều khoản tránh hồi tố khi sự việc đã kéo dài 5 năm.
Mặc dù vậy, không như năm 2020, Man City bằng cách nào đó “lách luật” để thoát án phạt nặng từ UEFA, lần này Man xanh không chỉ bị cáo buộc vi phạm FFP, mà còn cả PSR. Vấn đề ở chỗ, PSR là câu chuyện nội bộ Ngoại hạng Anh, ngoài tầm phủ sóng của CAS.
Rất khó để Man City “chạy tội” ở cấp cao hơn, bên ngoài nước Anh. Hơn nữa, việc xử lý vi phạm như Man City đã có tiền lệ, đó là án trừ 10 điểm Everton và sắp tới có thể là Nottingham Forest.
Chưa đội bóng nào trong lịch sử Ngoại hạng Anh phải chịu nhiều cáo buộc về tài chính như Man City. Khả năng những gì đội bóng này tạo dựng được trong 15 năm qua có thể tan thành mây khói bởi gian lận.