Theo Xinhua đưa tin ngày 10/9, sau khi cảnh sát Trung Quốc tiến hành điều tra sâu rộng về các vụ dàn xếp tỷ số, cá cược trực tuyến và hối lộ trong bóng đá, hàng loạt vụ việc liên quan đã bị phanh phui. Kết quả điều tra hé lộ sự dính líu của 128 nghi phạm hình sự và 41 câu lạc bộ trong 120 trận đấu quốc nội. Con số khổng lồ này cho thấy mức độ phổ biến của vấn nạn thao túng trong nền bóng đá Trung Quốc.
Trong số 43 người bị cấm thi đấu suốt đời, 38 người là cầu thủ, bao gồm những tên tuổi lớn như cựu tuyển thủ Trung Quốc Jin Jingdao, Guo Tianyu, và Gu Chao. Ngoài ra, 5 người còn lại là các quan chức đang làm việc tại các CLB khác nhau. Những cầu thủ và quan chức khác bị phát hiện liên quan cũng đã nhận các lệnh cấm thi đấu tạm thời, bao gồm cả các cầu thủ nước ngoài từng đến Trung Quốc thi đấu.
Trong số những người bị trừng phạt, đáng chú ý có Son Jun-ho, cầu thủ người Hàn Quốc từng thi đấu cho Shandong Taishan FC, và Ewolo Donovan, cầu thủ người Cameroon từng thi đấu cho Heilongjiang Ice City. Son Jun-ho đã bị cấm thi đấu 5 năm vì những cáo buộc “vi phạm nghiêm trọng đạo đức thể thao” và gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng các cầu thủ nước ngoài bị “chèo kéo” đến Trung Quốc bằng những lời hứa trả lương cao, nhưng lại phải đối mặt với môi trường bóng đá đầy cạm bẫy.
Bóng đá Trung Quốc từng được kỳ vọng rất lớn, với sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ. Chủ tịch Tập Cận Bình từ lâu đã xem bóng đá là một trong những công cụ quan trọng để nâng tầm vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế. Ông Tập từng đặt mục tiêu đầy tham vọng, như việc Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường bóng đá vào năm 2050, lọt vào top 20 FIFA, và thậm chí giành chức vô địch World Cup.
Tuy nhiên, mặc dù có sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng và việc thuê các cầu thủ ngoại xuất sắc, bóng đá nam Trung Quốc vẫn chưa có bước tiến lớn. Các đội tuyển quốc gia không đạt được thành tích nổi bật, và mục tiêu dự World Cup hay trở thành một thế lực đáng gờm trong bóng đá châu Á vẫn còn rất xa vời.
Sự thất bại này càng trở nên rõ rệt khi nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn trong việc phục hồi sau đại dịch COVID-19, khiến nhiều cam kết xây dựng sân vận động và thuê các ngôi sao quốc tế không còn khả thi.