Không có HLV nào trong suốt thời gian tại vị ở MU đã tạo ra sự chia rẽ ở hậu trường lớn hơn Mourinho. Trước đó, Quỷ đỏ đã quá quen với văn hóa bao bọc của Sir Alex Ferguson, nhưng Mourinho đã phá vỡ tất cả: chiến lược gia người Bồ Đào Nha thẳng thắn chỉ trích các học trò trước truyền thông.
Là một người mạnh miệng, Mourinho chẳng có bất kỳ sự nể nang nào. Ông hiểu mình đang làm gì, dẫn đến hệ lụy ra sao, song ông chấp nhận mọi hậu quả. Điều đó là không thể tránh khỏi. “Người đặc biệt” có thể đưa ra nhiều phát ngôn hơi quá đáng và khó nghe, nhưng rất nhiều trong số đó vẫn đúng cho đến tận ngày nay, tại Man United.
Mourinho lập luận, chính những người đứng đầu MU chứ không phải bản thân ông, mới là người cần được giáo dục về những điều cần thiết để tạo nên thành công trong bóng đá hiện đại. Vị thuyền trưởng đương nhiệm của AS Roma khẳng định, MU không có sách lược và cơ cấu phù hợp. Mourinho nhấn mạnh việc giúp Quỷ đỏ cán đích thứ nhì tại Premier League trong mùa giải áp chót của ông tại CLB là “một trong những thành tích tốt nhất trong sự nghiệp của ông”.
Không ít người đã cười nhạo về Mourinho về phát ngôn ấy, xem đó như cách để ông trốn tránh trách nhiệm. Dù vậy, ở một khía cạnh nào đó, nhà cầm quân 60 tuổi đã đúng. Vào thời của Mourinho, phó chủ tịch điều hành Ed Woodward là người giám sát hoạt động chuyển nhượng của MU, trong khi năm này qua năm khác, CLB thường thông báo trước truyền thông sẽ bổ nhiệm một giám đốc bóng đá song chưa bao giờ thực sự làm điều đó.
Mourinho bị hạ thấp nặng nề khi quyết định loại bỏ Anthony Martial khỏi MU, và sau 5 năm, tiền đạo người Pháp giờ ra sao? Có một vấn đề: Joel Glazer là một người hâm mộ Martial. Mourinho thường nói đùa rằng trong mắt đồng chủ tịch Glazer, Martial biến hình thành “Pele của MU”. Và Woodward đứng về phía ông chủ của mình. Quan điểm của Woodward rất rõ ràng: Martial là tài sản lâu dài của MU trong khi điều tương tự không nhất thiết phải xảy ra đối với một HLV chưa bao giờ ở lại đâu quá 3 năm.
Kết quả là Mourinho bị đá ra đường sau thất bại 1-3 trước Liverpool tại Anfield – nơi thầy trò Erik ten Hag sẽ đến thi đấu vào đêm mai (17/12). Trong vòng 6 tuần kể lúc “Người đặc biệt” mất việc, Martial được trao một hợp đồng mới với mức lương 13 triệu bảng/năm. Chân sút người Pháp ghi trung bình 7 bàn ở Premier League mỗi mùa tiếp theo, trước khi dần trở thành gánh nặng cho CLB. Mới đây, MU quyết định sẽ không gia hạn với Martial, đồng nghĩa cho phép anh rời Old Trafford theo dạng tự do ở Hè 2024.
Những quyết định theo kiểu kỳ quặc như vậy không chỉ diễn ra một lần mà như cơm bữa tại MU, từ đó dần hủy diệt đội bóng. Mourinho từng đề nghị MU chiêu mộ Harry Maguire, nhưng ban lãnh đạo đội bóng từ chối vì cho rằng định giá 75 triệu bảng là quá cao. Dù vậy chỉ 1 năm sau, Quỷ đỏ chi ra 80 triệu bảng mua Maguire từ Leicester, tức thậm chí còn cao hơn 5 triệu bảng. Logic ở đâu? Trước đó, MU đã để Paul Pogba ra đi theo dạng miễn phí hồi năm 2012, rồi sau đó chi đến 89 triệu bảng mua lại tiền vệ người Pháp 4 năm sau. Kết quả thì ai cũng rõ.
Chính MU cũng tuyên bố muốn theo đuổi những mục tiêu trẻ trung, nhưng đã trả 60 triệu bảng để ký hợp đồng với Casemiro từ Real Madrid, đồng thời đề nghị cầu thủ người Brazil một giao kèo 4 năm kèm mức lương 350.000 bảng/tuần. Tháng 1 năm nay, Quỷ đỏ còn mượn Wout Weghorst từ Burnley, và chân sút người Hà Lan chỉ ghi 2 bàn sau 31 lần ra sân cho CLB. Thời Ole Gunnar Solskjaer còn tại vị, MU còn không thèm quan tâm đề nghị chiêu mộ tiền đạo 17 tuổi Erling Haaland của ông.
Trong hai tuần qua, chúng ta đã thấy rất nhiều câu chuyện xoay quanh việc một vài cầu thủ giấu tên nói rằng đã mất niềm tin vào Ten Hag, và trong một số họ còn công khai chống đối ông thầy. Thực tế, những rùm beng kiểu như vậy đã trở thành một nét văn hóa tại MU, ăn sâu vào mỗi cầu thủ. Khi Mourinho mất việc, Pogba từng rất hả hê ở một bài đăng của anh trên mạng xã hội. Louis van Gaal cũng đã phải hứng chịu điều tương tự, dù không công khai. David Moyes cũng vậy. Sau Mourinho, đến lượt Ralf Rangnick, còn Solskjaer thì ít hơn.
Nemanja Matic, một trong những cựu cầu thủ MU, đã nói gì về thái độ của một số đồng đội ở Quỷ đỏ so với những gì anh đã trải qua với tư cách nhà vô địch Premier League hai lần cùng Chelsea. Matic nói: “Ở Chelsea, các cầu thủ hành động chuyên nghiệp. Họ đúng giờ và không bao giờ tập muộn. Nhưng ở MU, điều đó xảy ra gần như hàng ngày. Những người luôn đúng giờ rất tức giận nên chúng tôi quyết định thành lập một hội đồng kỷ luật nội bộ do tôi đứng đầu. Trong một mùa giải, chúng tôi đã thu được khoảng 75.000 bảng tiền phạt đi muộn”.
Mourinho không nói về việc các cầu thủ MU đi muộn, nhưng ông đã nói về việc Quỷ đỏ cho phép tồn tại một nền văn hóa đi ngược lại tham vọng của CLB nhằm tìm lại vị thế vốn có. Mourinho nói: “Sir Alex Ferguson từng nói ngày mà một cầu thủ nghĩ anh ta quan trọng hơn CLB, hãy tống cổ. Không phải vậy nữa. HLV trưởng phải ở đó để huấn luyện các cầu thủ chứ không phải giữ kỷ luật bằng bất cứ giá nào. Bạn cần một cơ cấu để bảo vệ HLV trưởng, giữ mọi thứ ổn định để các cầu thủ không cảm thấy họ đang nắm quyền lực mạnh mẽ”.
Sau 5 năm, MU vẫn như vậy, và Ten Hag có thể là người tiếp theo bị đá văng khỏi Old Trafford.